Phần Mở đầu (Uddeso)
Satipaṭṭhāna Sutta có hai phiên bản - đó là Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) trong Trường Bộ Kinh (Dīghanikāya), và Kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta) thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhimanikāya). Nội dung của 2 phiên bản này trong Tam Tạng Kinh Điển CSCD1 là giống nhau, nhưng với một số ấn bản khác, phần về Tứ Diệu Đế của Đại Kinh Niệm Xứ được giảng rộng rãi và đầy đủ hơn - như bản dịch tôi sử dụng dưới đây.
Kinh Niệm Xứ
Evaṃ me sutaṃ — ekaṃ samayaṃ Bhagavā kurūsu viharati kammāsadhammaṃ nāma kurūnaṃ nigamo. Tatra kho Bhagavā bhikkhū āmantesi — “Bhikkhavo”ti. “Bhaddante”ti te bhikkhū Bhagavato paccassosuṃ. Bhagavā etadavoca —
Tôi nghe như vậy. Một thời, Thế Tôn ở xứ Kuru, tại Kammàssadhamma - đô thị của xứ Kuru. Rồi Thế Tôn gọi các vị Tỷ kheo: “Này các Tỷ kheo.” Các Tỷ kheo trả lời Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn.” Thế Tôn nói như sau:2
Trong đại hội kết tập kinh điển đầu tiên, khi ngài Đại Ca Diếp hỏi Tôn giả Ānanda về bài kinh này, Tôn giả đã trả lời “Tôi nghe như vậy”, và bắt đầu kể những chi tiết về địa điểm nơi bài kinh được thuyết và đối tượng đang nghe.
Đức Thế Tôn đã thuyết bài kinh này ở giữa những người Kurū, gần thị trấn Kammāsadhamma. Từ đây, có thể suy ra rằng Thế Tôn đang trú ngụ gần thị trấn, vì chư tăng đương thời thường không sống trong những công trình được xây dựng, mà lựa chọn các khu rừng, nghĩa trang hoặc vườn cây ở vùng ngoại ô. Ví dụ như tu viện Jetavana (Kỳ Viên) do ngài Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) tặng cho Tăng đoàn trước đây vốn là một vườn ngự uyển thuộc sở hữu của hoàng tử Jeta. Văn bản không thực sự chỉ ra rằng bài kinh được thuyết giảng ở đâu, mà chỉ đơn giản cho biết Kammāsadhamma là một thị trấn của người Kurū. Phần còn lại phải được tự suy ra.
Phần giới thiệu (Uddesa/Uddeso) của bài kinh mới là nội dung được chính Thế Tôn thuyết sau khi kêu gọi sự chú ý của chư tăng.
Uddeso - Phần giới thiệu
Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo sattānaṃ visuddhiyā, sokaparidevānaṃ samatikkamāya dukkhadomanassānaṃ atthaṅgamāya ñāyassa adhigamāya nibbānassa sacchikiriyāya, yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā.
—Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Ðó là Bốn niệm xứ.
Từ “Ekāyano” có nhiều cách dịch khác nhau như là “Một con đường”, “Con đường trực tiếp”, “Con đường độc nhất”… Cụm từ “Con đường độc nhất” (The Only Way) cũng được sử dụng trong Mahasi Abroad: Mindfulness như sau:
“Ekāyana” có nghĩa là “Con đường độc nhất” — không còn đường nào khác, không còn sự lựa chọn nào khác. Nếu bạn cứ đi thẳng trên một độc đạo, bạn sẽ không thể bị lạc, bởi vì chẳng có ngã rẽ nào, bạn chắc chắn sẽ đến đích. Tương tự như vậy, Niệm Xứ là một con đường độc nhất, chỉ cần tiếp tục duy trì chánh niệm, cuối cùng bạn sẽ đạt được quả vị A-la-hán, trạng thái cao quý của sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi phiền não.”
Từ đây, có thể nhận ra rằng phương pháp Satipaṭṭhāna (Niệm Xứ) thực chất chính là Chánh niệm (sammā-sati) - một trong Bát Chánh Đạo, là con đường độc nhất, trực tiếp, không có ngã rẽ hay ngõ cụt. Một người thiếu chánh niệm không thể nào tiếp cận được phương pháp đúng, nhưng đối với người thực hành đúng đắn, đạt đến đích là điều chắc chắn, và sự đảm bảo này được chính Đức Phật nêu ra vào cuối bài thuyết pháp.
“Sattānaṃ visuddhiyā” có nghĩa là “đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh” (để thanh lọc chúng sanh)3. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả chúng sanh đều có thể đi theo con đường này. Bàng sanh, Ngạ quỷ và những chúng sanh ở cõi địa ngục không thể tu tập chánh niệm. Lời này chủ yếu ám chỉ đến con người. Mặc dù Đức Phật đang nói chuyện với chư tăng, nhiều cư sĩ cũng có mặt, và chắc chắn nhiều chúng sinh trên cõi trời cũng đến lắng nghe. Những ai không phải A-la-hán trong số chúng sinh này đều có tâm trí bị ô nhiễm do tham, sân, si ở mức độ khác nhau. Họ có thể tiêu trừ những phiền não này và thanh lọc tâm của mình bằng cách kiên trì đi theo con đường nói trên. Càng đi xa trên con đường ấy, tâm trí họ càng được thanh tịnh, cho đến khi dứt sạch được mọi phiền não, hoàn toàn và vĩnh viễn, ở quả vị A-la-hán.
“Sokaparidevānaṃ samatikkamāya” có nghĩa là “vượt khỏi sầu bi” (cho sự vượt lên trên đau buồn và than khóc). Nhiều người dịch soka là “nỗi buồn”, nhưng theo phần giảng giải sau đó về Tứ Diệu Đế, soka là trạng thái nghiêm trọng hơn nhiều so với buồn bã thông thường - điều trái ngược với hạnh phúc. Nó đốt cháy và tàn phá tâm trí như một ngọn lửa. Theo từ điển PTS, “soka” này bắt nguồn từ “śoka” trong tiếng Sanskrit, có nghĩa là nỗi đau buồn cháy bỏng. Khi con người phải hứng chịu mất mát to lớn, chẳng hạn như cái chết của cha mẹ, con cái, hoặc vợ chồng mình, họ không chỉ buồn trong lòng mà còn muốn bộc lộ ra ngoài bằng cách gào khóc, cả tinh thần lẫn thể xác đều bị đau đớn vô cùng. Parideva nghĩa là sự khóc than, rền rĩ, nức nở, và thổn thức. Từ samatikkamāya bắt nguồn từ atikammati là vượt khỏi, bước qua, và tiếp đầu ngữ saṃ nhấn mạnh sự hoàn thiện. Như vậy nghĩa của cụm này là “hoàn toàn vượt khỏi” hoặc “vượt lên trên”. Người nào thực hành trọn vẹn con đường này không chỉ có thể kìm nén nỗi đau mà còn có cơ hội hoàn toàn từ bỏ nó.
“Dukkhadomanassānaṃ atthaṅgamāya” mang nghĩa “diệt trừ khổ ưu” (nhằm dập tắt đau đớn và buồn khổ). Ở đây, dukkha chỉ đơn giản có nghĩa là đau đớn về thể xác, trong khi domanassa là đau đớn về tinh thần hoặc phiền muộn. Thành ngữ “Suriye atthaṅgama” có nghĩa là mặt trời lặn. Ở những vùng đất oi bức như Bihar, nơi Đức Phật thường thuyết pháp, không khí cực kỳ nóng và ngột ngạt từ sáng sớm đến tối muộn. Khi mặt trời cuối cùng cũng lặn xuống đường chân trời, cơn nóng rát mới chấm dứt. Nỗi đau về thể xác cực kỳ ngột ngạt, và khi nó chấm dứt người ta cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Nỗi đau buồn về mặt tinh thần cũng rất khó chịu đựng. Tâm trí cảm thấy nặng nề và trơ lì. Mặc cho người ta chỉ mong muốn được hạnh phúc, những tâm tư buồn bã vẫn tràn ngập tâm trí, và nếu cứ suy nghĩ về chúng thì ta càng trở nên tuyệt vọng hơn. Khi nỗi buồn được thay thế bằng hạnh phúc, tâm trí lại vui tươi và lạc quan như trước.
“Ñāyassa adhigamāya” là “thành tựu chánh lý” (đạt được phương pháp đúng đắn). Khi học hỏi bất cứ kĩ năng nào, chẳng hạn như lái xe, mọi thứ đều có vẻ thật khó khăn ở giai đoạn đầu vì có rất nhiều điều cần ghi nhớ. Tuy nhiên, dần dần ta tích lũy được những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết, và đạt đến thành công. Học cách giữ chánh niệm liên tục suốt cả một ngày, không để cho tâm trí lang thang nơi này nơi khác, cũng rất gian nan. Khi hướng dẫn phương pháp thiền Niệm Xứ ở giai đoạn đầu, vị thầy thường chỉ đưa ra một vài bài tập đơn giản, ví dụ như chánh niệm khi theo dõi tư thế sinh hoạt, hơi thở, và sự phồng xẹp nơi bụng. Về sau, khi thiền sinh dần thành thạo các kĩ thuật ở mức độ nhất định, họ mới dần dần được yêu cầu chánh niệm với các cảm xúc, suy nghĩ và trạng thái nội tâm. Có lẽ phải mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng thực hành thiền định liên tục thì thiền sinh mới có thể làm chủ được tâm trí và học cách tiếp tục tập trung vào các đối tượng đang phát sinh lẫn biến mất trong thời điểm hiện tại.
“Nibbānassa sacchikiryāya” có nghĩa là “chứng ngộ Niết bàn”. Chỉ sau khi trải qua quá trình nỗ lực kéo dài và liên tục, thiền sinh mới có thể phát triển đủ định lực và tuệ giác để vượt qua các giai đoạn cao nhất của nội quán, chứng ngộ Niết bàn. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được nếu phương pháp này được nắm vững một cách triệt để, khi thiền giả trở thành một vị thánh A-la-hán, người được xác nhận là đã chấm dứt được mọi đau khổ.
“Yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā” có nghĩa là “Bốn niệm xứ” (bốn nền tảng của chánh niệm). Sati có nghĩa là chánh niệm, upaṭṭhāna có nghĩa là thu xếp hoặc thiết lập và làm cho vững chắc. Khi mới bắt đầu thực hành, chánh niệm ngắt quãng và không ổn định. Nhưng dần dần nhận thức sẽ phát triển, nhiều đối tượng được ghi nhận rõ ràng hơn khi chúng sinh diệt, và chánh niệm vẫn ổn định trong khoảnh khắc hiện tại.
Katame cattāro? Idha, bhikkhave, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ, vedanāsu vedanānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ, citte cittānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ, dhammesu dhammānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ.
Thế nào là bốn? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.
“Bhikkhave” ở đây không chỉ có nghĩa là các tỷ kheo, mà là bất kỳ hành giả nào nhìn thấy mối nguy hiểm trong saṃsāra (vòng luân hồi). Bất cứ khi nào chư tăng có mặt trong hội chúng, trừ khi Đức Phật trả lời một cá nhân cụ thể, Đức Phật sẽ gọi họ là “bhikkhave” (này các tỷ kheo). Nếu các tỷ kheo ni (bhikkhuṇī), cư sĩ nam (upāsaka), và cư sĩ nữ (upāsikā) cũng có mặt, thì có thể hiểu rằng Ngài cũng đang nói chuyện với họ. Tương tự, khi dạy một vị tỷ kheo (bhikkhu) hãy quán thân trong thân, Ngài còn có ý là bất kỳ hành giả nào cũng nên làm như vậy.
“Kāye kāyānupassī viharati” có nghĩa là “(vị Tỷ kheo) sống quán thân trên thân” (hành giả chánh niệm về các hiện tượng vật chất bên trong chính thân thể mình).
“Ātāpī” có nghĩa là “nhiệt tâm” (nhiệt thành và hăng hái). Như đã có trong Kinh Pháp cú (Dhammapada), câu 144: “Giống như một con ngựa thuần chủng bị roi quất, cũng vậy hãy siêng năng (ātapino) và hăng hái (saṃvego).” (Như ngựa hiền chạm roi, Hãy nhiệt tâm hăng hái). Chánh tinh tấn của Con đường Trung đạo là tránh xa những thói hư tật xấu của sự đam mê trong các dục lẫn sự tự hành xác, không có nghĩa là một nỗ lực mức trung bình, nửa vời, mà có nghĩa là một nỗ lực siêng năng, bền bỉ và can đảm tăng trưởng trong phút từng phút. Giống như một đám cháy rừng thiêu rụi ngày càng nhiều cây cối và cành củi, tâm trí của hành giả nhiệt thành sẽ tiêu trừ ngày càng nhiều phiền não (kilesā) cùng lúc, vào bất cứ khi nào chúng phát sinh.
“Sampajāno” có nghĩa là sự thông hiểu đi kèm với kiến thức, hay nói cách khác, mục đích của việc quan sát đối tượng thiền là để hiểu rõ bản chất của nó. Cần phải quán chiếu một cách khách quan những cảm giác đau đớn và cảm xúc tiêu cực phát sinh để nhận ra rằng chúng là vô thường và tăng trưởng phụ thuộc vào các điều kiện. Chúng không tuân theo mong muốn của một người, kể cả tổn thương hay bất mãn.
“Satimā” có nghĩa là “(một cách) chánh niệm”. Thuật ngữ sati vừa là chánh niệm, vừa là trí nhớ hoặc hồi tưởng. Đối tượng quán chiếu nảy sinh trước, ngay sau đó là nhận thức về nó. Vật chất thay đổi theo một quy trình, rồi tinh thần nhận biết nó thông qua một quy trình khác. Ngoài ra chẳng có ai, cái tôi nào hay chúng sinh nào đang nhận biết.
“Vineyya loke abhijjhādomanassaṃ” có nghĩa là “chế ngự tham ưu” (đã từ bỏ lòng tham (abhijjhā) và nỗi buồn (domanassaṃ) liên quan đến thế gian (loke)). Điều quan trọng là hành giả phải sống với ý định nghiêm túc và quyết tâm đạt được sự giác ngộ. Chừng nào vẫn còn bất kì sự nắm níu gì với thế gian như tài sản, người thân,… thì sẽ khó lòng tiến bộ. Đó là lý do tại sao người ta thường khuyên nên rời khỏi nơi thường trú của mình và tham dự một khóa thiền kéo dài ít nhất vài tuần hoặc lâu hơn càng tốt. Có thể phải mất ít nhất ba hoặc bốn ngày thiền sinh mới thôi bận tâm về công việc gia đình (hoặc là các nhiệm vụ của tu viện nếu thiền sinh là nhà sư hay tu nữ). Sau đó, khi khóa thiền sắp kết thúc và thiền sinh lên kế hoạch trở về nhà, những mối bận tâm này lại có cơ hội nảy sinh lần nữa.
“Vedanāsu vedanānupassī viharati” là “(vị tỷ kheo) sống quán thọ trên các thọ” (sống quán tưởng cảm giác trong cảm giác). Có năm loại cảm thọ cần phải quán tưởng: cảm giác đau đớn (khổ), dễ chịu (lạc), buồn rầu (ưu), vui vẻ (hỷ) và trung tính (xả). Điều quan trọng là tất cả các cảm thọ đều phải được nhận diện với sự bình thản. Đồng thời phải giữ trạng thái quán tưởng một cách nhiệt thành, thấu suốt, và chánh niệm, trong sự từ bỏ sự tham ưu liên quan đến thế gian, như đã trình bày ở trên.
“Citte cittānupassī viharati” có nghĩa là “(vị tỷ kheo) sống quán tâm trên tâm” (sống quán tưởng tâm trạng - suy nghĩ4 trong tâm trạng - suy nghĩ). Khi năm căn tiếp xúc với năm trần5, những cảm giác thích, ghét hoặc thờ ơ phát sinh. Sau đó, ý môn phản ứng với những trải nghiệm giác quan này và tâm trạng - suy nghĩ về chúng phát sinh. Sự hồi tưởng về các đối tượng được yêu thích, hoặc sự mong đợi rằng chúng sẽ lặp lại trong tương lai cũng có thể kích thích những tâm trạng - suy nghĩ tiếp theo. Ngược lại, ký ức xấu hoặc nỗi sợ hãi liên quan đến các đối tượng không dễ chịu cũng có thể làm nảy sinh sợ hãi, ác cảm hoặc lo lắng6. Tất cả những tâm trạng - suy nghĩ như vậy nên được quán chiếu ngay khi chúng đang diễn ra.
“Dhammesu dhammānupassī viharati” có nghĩa là “(vị tỷ kheo) sống quán pháp trên các pháp” (sống quán tưởng các đối tượng của tâm trí bất cứ khi nào chúng xuất hiện). Phạm vi của các pháp rất rộng và sẽ được trình bày chi tiết ở phần sau. Ở đây, ta tạm hiểu rằng tất cả các đối tượng của tâm trí đều nên được quán chiếu ngay khi chúng diễn ra, nhiệt thành, thấu suốt, và chánh niệm, trong sự từ bỏ sự tham ưu liên quan đến thế gian, như đã trình bày ở trên.
Ta có thể ghi nhớ, tụng đọc bản tiếng Pāḷi của phần mở đầu ngắn này để khơi dậy sự tự tin và lòng tinh tấn trước khi thực hành thiền với chánh niệm.
Chú thích
-
Tipiṭaka CSCD: Một phiên bản online của Tam Tạng Kinh Điển Pāḷi, được dịch thành nhiều ngôn ngữ khác nhau, rất phổ biến với người sử dụng Tiếng Anh.
-
Toàn bộ bản dịch kinh được sử dụng trong sách là bản của HT. Thích Minh Châu.
-
Những câu giải tự Pali - Anh trong bài này đều theo cấu trúc: Nguyên bản Pali - cách dịch của HT Minh Châu - (phần dịch Anh-Việt từ bài viết nằm trong ngoặc).
-
Cittā là Tâm, nhưng trong bản tiếng Anh ngài Pesala dùng từ “thoughts” là suy nghĩ.
-
Năm căn ở đây bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Năm trần tương ứng là sắc, thanh, hương, vị, xúc.
-
Độc giả cần có kiến thức về A-tỳ-đàm (Abhidhamma) hay còn gọi là Vi Diệu Pháp để hiểu về lộ trình của tâm được trình bày ở phần này.