Quán Thân: Phần Hơi thở (Kāyānupassanā Ānāpānapabbaṃ)

Kathañca pana, bhikkhave, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati? Idha, bhikkhave, bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā nisīdati pallaṅkaṃ ābhujitvā ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā. So satova assasati, satova passasati. Dīghaṃ vā assasanto ‘Dīghaṃ assasāmī’ti pajānāti, dīghaṃ vā passasanto ‘Dīghaṃ passasāmī’ti pajānāti. Rassaṃ vā assasanto ‘Rassaṃ assasāmī’ti pajānāti, rassaṃ vā passasanto ‘Rassaṃ passasāmī’ti pajānāti. ‘Sabbakāyapaṭisaṃvedī assasissāmī’ti sikkhati, ‘Sabbakāyapaṭisaṃvedī passasissāmī’ti sikkhati. ‘Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati, ‘Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ passasissāmī’ti sikkhati.

Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán thân trên thân? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”; Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

“Araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā” nghĩa là “Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống” (hành giả nên đi đến một nơi yên tĩnh sao cho không bị tiếng ồn hay người khác làm phiền). Thiết lập trạng thái tập trung không phải việc đơn giản. Một hành giả sơ cơ rất dễ bị xao nhãng. Các thiền viện có thể đông nghẹt người, nhưng sẽ luôn có quy định phải giữ im lặng, chỉ được nói khi thực sự cần thiết, và phải di chuyển chậm rãi trong chánh niệm với sự lưu tâm để không làm phiền người khác. Nếu hành giả đủ can đảm để đi vào rừng hoặc một nơi trống trải như hang động hoặc nghĩa trang thì sẽ có được những lợi ích đáng kể nhờ tránh xa người khác và hòa mình vào thiên nhiên. Khi phải đối mặt với mối nguy hiểm như động vật hoang dã, rắn, côn trùng độc,… hành giả cũng sẽ chú tâm một cách cấp bách. Tất nhiên, không nên liều lĩnh đặt mình vào nguy hiểm nếu ta thiếu bất kỳ loại kiến ​​thức, kinh nghiệm hoặc khả năng sinh tồn nào. Bạn cần có một người thầy hướng dẫn nếu muốn đi theo con đường khổ hạnh.

“Nisīdati pallaṅkaṃ ābhujitvā” có nghĩa là “ngồi kiết già” (ngồi xếp bằng). Chỉ người già và người tàn tật mới nên sử dụng ghế hoặc chỗ tựa khác. Một người trẻ hoặc trung niên khỏe mạnh cần cố gắng duy trì tư thế này, dần dần cải thiện thời gian càng lâu càng tốt. Không nhất thiết phải áp dụng tư thế kiết già như thường thấy ở các bức tượng Phật (mỗi bàn chân đặt trên đùi đối diện), hành giả có thể thực hiện tư thế bán già, với một bàn chân áp mặt đất và bàn chân kia đặt trên đùi đối diện. Tư thế ngồi xếp bằng là phù hợp nhất để ngồi trong thời gian dài mà không thấy khó chịu. Luyện tập trong thời gian dài, bạn sẽ có thể ngồi yên trong ít nhất một, hai giờ hoặc lâu hơn mà không bị đau mỏi. Không nên ngồi duỗi chân ra phía trước vì tư thế này khó duy trì được lâu, mà còn bị coi là thiếu tôn trọng khi hướng bàn chân về phía tượng Phật hoặc thiền sư. Ngoài ra, hành giả có thể sử dụng bất kỳ chiếc đệm nào bạn cần để nâng đỡ phần lưng dưới hoặc đầu gối để bạn ngồi ngay ngắn trong thời gian dài.

“Ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya” có nghĩa là (hành giả) nên ngồi thẳng lưng. Một người khỏe mạnh không nên dựa vào tường. Lúc đầu, người ta có thể thấy thật khó để không khom lưng, nhưng khi chánh niệm và sự tập trung phát triển, việc ngồi thẳng trở nên dễ dàng hơn. Nếu cơ thể thẳng và ở tư thế thoải mái, việc hít thở thông qua cơ hoành sẽ diễn ra tự nhiên hơn là thông qua ngực. Hơi thở sẽ trở nên chậm và sâu, đưa lượng oxy tối đa vào phổi mà không cần bất kỳ nỗ lực đặc biệt nào.

“Parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā” có nghĩa là “an trú chánh niệm trước mặt” (thiết lập chánh niệm trong tầm mắt, ngay phía trước).

“So satova assasati, satova passasati” nghĩa là “Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra” (hành giả hít vào và thở ra một cách chánh niệm). Tất cả các bản dịch của bài kinh này mà tôi đã xem đều cho rằng assasati là hít vào, và passasati là thở ra, trái ngược với từ điển Pali Text Society. Maurice Walshe lưu ý rằng thứ tự có thể bị đảo ngược. Bạn để ý đến điều nào trước không quan trọng, vì nếu đã hít vào thì ta sẽ sớm phải thở ra, và ngược lại. Trong việc làm dịu hơi thở thì thứ tự đúng như trên, có vẻ tự nhiên hơn khi bắt đầu từ hít vào, sau đó thư giãn rồi thở ra.

“Dīghaṃ vā assasanto ‘Dīghaṃ assasāmī’ti pajānāti” nghĩa là “Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài””; và “Rassaṃ vā assasanto ‘Rassaṃ assasāmī’ti pajānāti” nghĩa là “thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra dài””. Tương tự như vậy với hơi thở ra dài và ngắn, người ta biết chúng dài hay ngắn tùy theo biểu hiện. Không nên cố gắng kiểm soát hơi thở như thể đang tập yoga. Hành giả chỉ nên thư giãn và thở tự nhiên, quan sát từng hơi thở, bất kể nó diễn ra như thế nào.

“Sabbakāyapaṭisaṃvedī assasissāmī’ti sikkhati” có nghĩa là “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập (hành giả phải ý thức rõ ràng toàn bộ quá trình của hơi thở vào ở đầu, giữa và cuối). “Sabbakāyapaṭisaṃvedī passasissāmī’ti sikkhati” có nghĩa là “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập” (hành giả cố gắng ý thức rõ ràng toàn bộ quá trình thở ra ở đầu, giữa và cuối). Ý nghĩa này đến từ Chú giải. Tỳ khưu Bodhi lưu ý, ngài nghĩ rằng như thế là cảm nhận toàn bộ cơ thể1. Tôi không đồng ý vì làm như vậy sẽ dời mất sự chú ý từ hơi thở sang các cảm giác khác trong cơ thể, chẳng hạn như sự giãn nở của phổi, hoặc chuyển động của cơ hoành và bụng.

Theo tôi, sự chú ý nên được duy trì tại hai lỗ mũi, nơi hơi thở ra vào, không theo hơi thở xuống ngực hoặc bụng, cũng không quay trở lại qua khí quản. Hãy làm theo phép so sánh về người thợ mộc, khi cưa gỗ, anh ta nhận thức được rằng lưỡi cưa đang di chuyển qua lại, nhưng anh ta chỉ tập trung sự chú ý của mình vào điểm mà răng cưa đang xẻ qua lại trên gỗ để theo dõi vết cắt và ra tay cho chính xác. Tương tự như vậy, hãy luôn nhận thức rằng hơi thở đang đi vào và đi ra, nhưng tập trung sự chú ý đúng vào nơi hơi thở chạm vào ở lỗ mũi, môi trên hoặc miệng nếu bạn bị nghẹt mũi do cảm lạnh. Giữ sự chú ý ở một nơi như vậy sẽ giúp phát triển sức tập trung.

“Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati” có nghĩa là ““An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập” (hít vào trong khi làm dịu các trạng thái cơ thể). “Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ passasissāmī’ti sikkhati” có nghĩa là ““An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập” (thở ra trong khi làm dịu các trạng thái cơ thể). Ở đây, ta thực hiện một số kiểm soát có ý thức để thư giãn và thở chậm hơn, sâu hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên quá gượng ép, nếu không bạn sẽ rất nhanh bị mệt mỏi hoặc dẫn đến thở dốc. Có thể ta chỉ cần hít vào một hơi sâu trước khi thư giãn bằng một hơi thở ra dài, rồi sau đó bạn nên tiếp tục thở bình thường. Nếu tâm trí trở nên tập trung, hơi thở sẽ chậm lại một cách tự nhiên, và hơi thở sẽ nhanh hơn nếu tâm trí trở nên phấn khích. Hãy để mọi thứ tự điều hòa theo cách tự nhiên.

Seyyathāpi, bhikkhave, dakkho bhamakāro vā bhamakārantevāsī vā dīghaṃ vā añchanto ‘Dīghaṃ añchāmī’ti pajānāti, rassaṃ vā añchanto ‘Rassaṃ añchāmī’ti pajānāti evameva kho, bhikkhave, bhikkhu dīghaṃ vā assasanto ‘Dīghaṃ assasāmī’ti pajānāti, dīghaṃ vā passasanto ‘Dīghaṃ passasāmī’ti pajānāti, rassaṃ vā assasanto ‘Rassaṃ assasāmī’ti pajānāti, rassaṃ vā passasanto ‘Rassaṃ passasāmī’ti pajānāti. ‘Sabbakāyapaṭisaṃvedī assasissāmī’ti sikkhati, ‘Sabbakāyapaṭisaṃvedī passasissāmī’ti sikkhati, ‘Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati, ‘Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ passasissāmī’ti sikkhati.

Này các tỷ kheo, như người thợ quay hay học trò người thợ quay tuệ tri thiện xảo, khi quay dài, tuệ tri rằng: “Tôi quay dài”; hay khi quay ngắn, tuệ tri rằng: “Tôi quay ngắn.” Cũng vậy, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo thở vô dài, tuệ tri: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài tuệ tri: “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

Vào thời Đức Phật, máy tiện dường như được điều khiển bằng một sợi dây thừng buộc vào một cây tre dài dùng làm lò xo. Sợi dây thừng sẽ được kéo căng hết cỡ, sau đó thả ra để xoay phần cần chạm khắc vào dùi đục. Khi cần cắt cho tinh xảo, sợi dây thừng sẽ chỉ được kéo căng một đoạn ngắn.

Bản dịch của Hiệp hội Piṭaka Miến Điện một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận biết toàn bộ hơi thở từ đầu, qua đoạn giữa, cho đến khi kết thúc.

Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati, bahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati, ajjhattabahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati. Samudayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati, vayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati, samudayavayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati. ‘Atthi kāyo’ti vā panassa sati paccupaṭṭhitā hoti yāvadeva ñāṇamattāya paṭissatimattāya anissito ca viharati, na ca kiñci loke upādiyati. Evampi kho, bhikkhave, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati.

Như vậy, vị ấy sống, quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.

Bản chú giải giải thích bên trong và bên ngoài ý chỉ thân thể của chính mình và của người khác. Nếu không có thần thông, người ta chỉ có thể đoán được hơi thở của người khác bằng cách suy luận. Trong khi quán chiếu hơi thở vào và hơi thở ra, hành giả nhận thấy chúng luôn sinh diệt. Dần dần, hành giả giác ngộ được rằng thân thể tồn tại, nhưng đó chẳng phải là một chúng sinh, cũng không phải một người, không phải là một bản ngã hay bất cứ thứ gì thuộc về một bản ngã. Nhờ đó, hành giả không coi nó là “tôi”, hay “của tôi”, không còn bám chấp vào bất cứ thứ gì trên thế gian nữa.

Phần chánh niệm trong hơi thở đến đây là hết. Ānāpānapabbaṃ Niṭṭhitaṃ.

Chú thích

  1. Tương tự cách hiểu của HT Minh Châu trong bản dịch tiếng Việt.